Theo quy chế, Ban Pháp chế hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh. Các thành viên của Ban chịu trách nhiệm tập thể về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban trước HĐND tỉnh; từng thành viên Ban chịu trách nhiệm cá nhân trước Ban về nhiệm vụ, quyền hạn được Ban phân công.
Trưởng Ban có những nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành công việc của Ban, thay mặt Ban ký các văn bản do Ban phát hành; giữ mối liên hệ với các thành viên của Ban và thay mặt Ban giữ mối liên hệ với thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, các cơ quan tổ chức ở địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn; báo cáo kết quả hoạt động của Ban với HĐND tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh; tham dự các cuộc họp do Thường trực HĐND tỉnh triệu tập; dự các cuộc họp do UBND tỉnh, các cơ quan, tổ chức ở địa phương mời có liên quan đến lĩnh vực của Ban phụ trách; tổ chức việc giám sát, khảo sát theo Nghị quyết của HĐND tỉnh; trình bày báo cáo thẩm tra, báo cáo kết quả giám sát tại các kỳ họp HĐND tỉnh.
Phó Trưởng ban có những nhiệm vụ giúp Trưởng ban thực hiện nhiệm vụ và được phân công phụ trách một số công việc của Ban; khi Trưởng Ban vắng mặt, một Phó Trưởng ban được ủy quyền điều hành công việc của Ban; được quyền ký các văn bản của Ban Pháp chế và tổ chức các hoạt động của Ban theo nội dung ủy quyền của Trưởng ban.
Ban Pháp chế quyết định Chương trình giám sát hàng quý hoặc 6 tháng và hàng năm của Ban căn cứ vào Chương trình giám sát của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và ý kiến các thành viên của Ban. Chương trình giám sát hàng quý hoặc 6 tháng được Ban xem xét, quyết định chậm nhất vào tuần thứ hai của tháng đầu tiên của quý đó; chương trình giám sát hàng năm được Ban xem xét, quyết định chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày Thường trực HĐND tỉnh thông qua chương trình giám sát.
Căn cứ vào chương trình giám sát của Ban hoặc trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ xét thấy có vấn đề quan trọng, bức xúc… Ban Pháp chế quyết định thành lập hoặc đề xuất Thường trực HĐND tỉnh thành lập Đoàn giám sát để tổ chức giám sát. Tùy theo tính chất, nội dung của chuyên đề và tình hình thực tế của địa phương, Ban lựa chọn hình thức giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp.
Về mối quan hệ của Ban với Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và các cơ quan khác, Quy chế nêu rõ: Ban Pháp chế thường xuyên giữ mối quan hệ phối hợp công tác và trao đổi kinh nghiệm hoạt động về những vấn đề có liên quan với các Ban của HĐND tỉnh. Trưởng Ban cử các thành viên của Ban tham gia hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh khi Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu. Trưởng Ban có trách nhiệm phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi các cơ quan này về công tác ở địa phương. Đồng thời, trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực hoạt động của Ban với các cơ quan tương ứng.

Sơn Ca



Nhận xét

Bài liên quan